Quản lý bồi lắng hồ chứa thủy điện

Là chủ đề hội thảo do Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) phối hợp với Đại sứ quán Cộng hòa Áo tại Việt Nam, Ngân hàng Thế giới (WB) tại Việt Nam tổ chức ngày 3-4/6, tại Hà Nội.

Tham dự Hội thảo có ông Thomas Schuller Goetzburg – Đại sứ Cộng hòa Áo tại Việt Nam, ông Franz Gerner – Điều phối viên lĩnh vực năng lượng của WB tại Việt Nam và nhiều chuyên gia về thủy điện của WB.

 

Chuyên gia năng lượng của WB chia sẻ tại Hội thảo

Về phía EVN có ông Ngô Sơn Hải – Phó Tổng giám đốc Tập đoàn, đại diện các ban chuyên môn của EVN, các công ty tư vấn xây dựng điện và các nhà máy thủy điện.

Hội thảo nhằm cung cấp giải pháp kỹ thuật cũng như kinh nghiệm quốc tế về vấn đề bồi lắng tại các hồ thủy điện, giúp các nhà máy hoạt động hiệu quả hơn, cũng như giải quyết vấn đề môi trường.

Phát biểu tại Hội thảo, Phó Tổng giám đốc EVN Ngô Sơn Hải cho biết: Ở Việt Nam hiện nay có 36 nhà máy thủy điện (không tính thủy điện nhỏ – PV), tổng công suất 17.000 MW, chiếm 35% công suất toàn hệ thống.

Công tác quản lý bồi lắng hồ chứa được EVN đặc biệt quan tâm vì có ảnh hưởng trực tiếp đến vận hành các tổ máy thủy điện và tuổi thọ của công trình. Hàng năm, việc quan trắc, theo dõi bồi lắng đều được thực hiện nhưng công tác đo đạc, thu thập số liệu còn nhiều khó khăn, độ chính xác chưa cao.

Hội thảo là dịp để EVN và các đơn vị tiếp cận thông tin, giải pháp kỹ thuật cũng như kinh nghiệm quốc tế về bồi lắng hồ chứa; qua đó cải thiện công tác này tại mỗi đơn vị.

Ông Thomas Schuller Goetzburg – Đại sứ Cộng hòa Áo tại Việt Nam cho biết: Quỹ ủy thác Chính phủ Áo thực hiện thông qua WB sẽ hỗ trợ kỹ thuật về chủ đề này cho EVN. Đây là dự án quan trọng, giúp EVN từng bước tiếp cận kinh nghiệm, kỹ thuật tiên tiến trong quản lý bồi lắng.

Theo ông Franz Gerner – Điều phối viên lĩnh vực năng lượng của WB tại Việt Nam, vấn đề bồi lắng thủy điện rất quan trọng đối với Việt Nam bởi hệ thống thủy điện ở nước ta rất lớn. Trao đổi thông tin, tìm giải pháp phát triển bền vững thủy điện là một trong những ý nghĩa của Hội thảo, để hỗ trợ Việt Nam tăng cường sử dụng thủy điện, giảm bớt nguồn điện sử dụng nhiên liệu hóa thạch.

Tại Hội thảo, các chuyên gia của WB đã trình bày về các vấn đề: Tính bền vững của hồ chứa và hướng dẫn chính sách; Lưu lượng bồi lắng và quan trắc; Dự báo tốc độ và xu hướng bồi lắng; Đối sách quản lý bồi lắng; Phương pháp tiếp cận quản lý tối ưu bồi lắng; Khả năng của các mô hình số và vật lý trong quản lý bồi lắng.

Sưu tầm

Các tin liên quan

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *