Sông Đà – dòng sông ngày nào nổi tiếng hung bạo “đầy đá nổi, đá chìm và thác dữ”, nhờ những công trình thủy điện, đã giúp “đánh thức” cả núi rừng Tây Bắc. Vì vậy, sông Đà được ví như dòng sông ánh sáng, “nguồn vàng trắng” quý giá của quốc gia.
Cung cấp gần 25 tỷ kWh điện mỗi năm
Có thể ví sông Đà là dòng “sông mẹ,” vì tất cả các sông, suối khu vực Tây Bắc đều đổ vào đây, tạo thành nguồn nước rất lớn. Từ nhiều năm trước, tiềm năng phát triển nguồn thủy điện trên sông Đà đã được các chuyên gia trong và ngoài nước phát hiện. Tuy nhiên, kinh tế thời hậu chiến tranh chống Mỹ còn quá nhiều khó khăn, Việt Nam chưa thể đầu tư xây dựng công trình thủy điện trên sông Đà.
Đến tháng 11 năm 1979, với sự giúp đỡ to lớn của Liên Xô, công trình Thủy điện Hòa Bình trên sông Đà đã được khởi công. Sau gần 15 năm xây dựng, đến năm 1994, công trình đã hoàn thành với 8 tổ máy, tổng công suất 1.920 MW, xây dựng ở bậc thang dưới cùng trên lưu vực sông Đà. Tính đến nay, Thủy điện Hòa Bình đã cung cấp cho hệ thống điện Việt Nam trên 230 tỷ kWh, đồng thời tham gia cắt hơn 100 cơn lũ, đảm bảo cho Đồng bằng sông Hồng, trong đó có Thủ đô Hà Nội được an toàn trong mùa mưa lũ.
11 năm sau, vào năm 2005, công trình Thủy điện Sơn La tổng công suất 2.400 MW được khởi công và sau 7 năm xây dựng, ngày 23/12/2012, công trình được khánh thành – đánh dấu công cuộc chinh phục bậc thang thứ 2 của dòng chính sông Đà đã hoàn thành. Bậc thang thứ 3 của sông Đà chính là Nhà máy Thủy điện Lai Châu công suất 1.200 MW được hoàn thành năm 2016, khép lại hành trình chinh phục dòng sông Đà. Nguồn “vàng trắng” đã được chuyển thành dòng điện phục vụ phát triển kinh tế – xã hội của đất nước và đời sống của nhân dân.
Nhà máy Thủy điện Lai Châu
Như vậy, trên dòng sông Đà đến nay đã xây dựng thành công 3 nhà máy Thủy điện lớn: Hòa Bình, Sơn La và Lai Châu. Ngoài ra, tại các nhánh của sông Đà còn có Nhà máy Thủy điện Huội Quảng (520 MW) và Bản Chát (180 MW). Giờ đây, sông Đà là nơi có nguồn thủy điện lớn nhất cả nước, tổng công suất lên tới hơn 6.000 MW, cung cấp sản lượng điện khoảng 25 tỷ kWh/năm cho hệ thống điện quốc gia. Không những sản xuất điện, các công trình thủy điện trên sông Đà còn có vai trò quan trọng trong điều tiết lưu lượng nước cho hạ du sông Hồng. Với tổng dung tích hồ chứa của 3 công trình thủy điện trên dòng chính sông Đà là 19,815 tỷ m3 nước, các công trình đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ cắt lũ vào mùa mưa và điều tiết xả nước vào mùa khô hạn.
Thúc đẩy phát triển kinh tế vùng Tây Bắc
Trong quá trình xây dựng các công trình thủy điện trên dòng sông Đà, chủ đầu tư và chính quyền địa phương đã có những quan tâm đặc biệt đến công tác tái định cư. Hàng chục nghìn hộ dân đã được chuyển đến nơi ở mới đều được đầu tư xây dựng bảo đảm đầy đủ cơ sở vật chất thiết yếu như, điện, đường, trường, trạm, nước sinh hoạt, diện tích đất canh tác… theo đúng chỉ đạo của Chính phủ.
Bên cạnh việc chăm lo, cải thiện đời sống cho người dân, các công trình thủy điện được xây dựng đã kéo theo hạ tầng giao thông được đổi mới, thuận lợi hơn. Những đường giao thông chính đã được đầu tư, cải tạo, nâng cấp mở rộng, làm cho giao thương giữa các tỉnh Tây Bắc với thủ đô Hà Nội ngày càng thuận lợi và thông suốt.
Đặc biệt, các hồ thủy điện đã tạo cơ hội cho các địa phương vùng Tây Bắc tiếp tục bảo tồn, phát huy những giá trị văn hóa, lịch sử trong vùng, đồng thời, đẩy mạnh phát triển du lịch, nuôi trồng, đánh bắt thủy sản; tăng cường lưu thông hàng hóa qua đường thủy một cách dễ dàng hơn. Các công trình thủy điện cũng tạo ra môi trường sống ngày càng trong lành do việc trồng thêm rừng, chăm sóc rừng, nhờ đó, giảm phát thải khí nhà kính, giảm nguy cơ ảnh hưởng từ biến đổi khí hậu…
Theo ông Nguyễn Văn Quang – Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Hòa Bình, nhiều năm qua, Công ty Thủy điện Hòa Bình là doanh nghiệp đóng góp kinh phí lớn nhất cho ngân sách địa phương. Mỗi năm, Công ty đã nộp ngân sách cho tỉnh khoảng 1.000-1.400 tỷ đồng, cộng với hơn 100 tỷ đồng dịch vụ môi trường rừng. Lòng hồ Hòa Bình bây giờ là một địa danh đẹp, hấp dẫn đối với du khách trong nước và quốc tế.
Có thể thấy, những công trình thủy điện trên sông Đà không chỉ có đóng góp vô cùng quan trọng về điện năng, cắt lũ, tích trữ nguồn nước… mà còn góp phần đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, nâng cao đời sống và phát triển kinh tế khu vực Tây Bắc.
Sưu tầm