Phản hồi các ý kiến về đầu tư điện mặt trời, năng lượng tái tạo, tại Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam (VBF) cuối kỳ 2019 diễn ra ngày 10/1/2019, đại diện Bộ Công Thương cho biết, hiện Bộ đã trình Chính phủ những giải pháp để giải tỏa hết công suất các dự án đang phát điện.
Ông Bùi Quốc Hùng – đại diện Bộ Công Thương (thứ 2 từ phải sang) phản hồi các ý kiến về năng lượng
Đồng thời, xây dựng cơ chế chuẩn bị cho đấu thầu dự án điện mặt trời trong tương lai.
Việt Nam hiện là một trong những thị trường năng lượng tái tạo sôi động và hấp dẫn nhất trong khu vực Đông Nam Á. Tuy nhiên, quá trình phát triển này cũng đang đặt ra nhiều thách thức mới.
Ông John Rockhold – đại diện Nhóm Công tác Điện và Năng lượng VBF – cho rằng, các chính sách của Chính phủ cần đảm bảo đáp ứng được nhu cầu ngày càng tăng, đồng thời khuyến khích đầu tư tư nhân, bảo vệ môi trường và tăng cường hiệu quả sử dụng năng lượng.
Đánh giá gần đây của Chính phủ cho thấy, Việt Nam sẽ cần khoảng 130 tỷ USD đầu tư năng lượng mới cho đến năm 2030, trung bình khoảng 12 tỷ USD mỗi năm, trong đó khoảng 9 tỷ USD cho đầu tư nguồn điện và 3 tỷ USD đầu tư cho lưới điện. Mặc dù con số dự báo có phần cao hơn thực tế, nhưng rõ ràng nhu cầu về điện là hết sức cấp thiết. Do đó, nhóm này kiến nghị Chính phủ cần ưu tiên năng lượng tái tạo trong quy hoạch phát triển điện lực quốc gia; Tăng cường sử dụng khí ga tự nhiên như “phụ tải nền phù hợp nhất” cho năng lượng tái tạo; Xây dựng môi trường pháp lý và thuận lợi để thu hút đầu tư tư nhân vào hoạt động sản xuất năng lượng sạch và sử dụng năng lượng hiệu quả; Xây dựng môi trường pháp lý và hỗ trợ thúc đẩy hiệu quả sử dụng năng lượng; Đầu tư phát triển hạ tầng lưới điện để cải thiện tính ổn định và nâng cao công suất…
Phản hồi về các ý kiến này, ông Bùi Quốc Hùng – Cục Điện lực và năng lượng tái tạo (Bộ Công Thương) – cho biết, theo Quyết định 1264/QĐ-TTg ngày 1/10/2019, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt nhiệm vụ lập Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2045 (Quy hoạch điện VIII). Theo đó, quan điểm của Quy hoạch là điện lực phải đi trước một bước, đáp ứng nhu cầu cung ứng điện phục vụ cho phát triển kinh tế – xã hội, an ninh quốc phòng; đảm bảo sự tham gia của các thành phần kinh tế trong phát triển điện lực, đặc biệt là thành phần kinh tế tư nhân
Theo quy định, nguyên tắc lập quy hoạch phải đảm bảo phát triển cân đối giữa các vùng, miền, cân đối giữa nguồn và phụ tải; ưu tiên phát triển hợp lý nguồn điện sử dụng năng lượng tái tạo; sử dụng điện tiết kiệm và hiệu quả; phát triển lưới điện hiện đại, thông minh và lưới điện liên kết với các quốc gia láng giềng; phát triển thị trường điện và khuyến khích các thành phần kinh tế tham gia đầu tư phát triển điện lực; phát triển điện lực thích ứng với biến đổi khí hậu, đảm bảo sự phát triển bền vững và phù hợp với chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh.
Liên quan đến kiến nghị về đầu tư điện mặt trời, năng lượng tái tạo, ông Bùi Quốc Hùng cho biết, vừa qua, Chính phủ cũng có nhiều chính sách khuyến khích thúc đẩy phát triển năng lượng tái tạo, đặc biệt năng lượng gió, điện mặt trời. Cụ thể, năng lượng gió, Chính phủ đã ban hành Quyết định số 37 để có cơ chế ưu đãi về giá các dự án điện gió như giá điện trên bờ là 8,5 cents/kWh trên bờ và 9,5 cents/kWh ngoài khơi. Đối với điện mặt trời, Quyết định 11/2017/QĐ-TTg ngày 11/4/2017 về cơ chế khuyến khích phát triển các dự án điện mặt trời tại Việt Nam hết hiệu lực từ ngày 30/6/2019 với giá 9,35 cent/kWh. Nhờ cơ chế này, Việt Nam phát triển 7.000MW để xây dựng, hiện nay đã phát điện 4.500 MWh điện mặt trời và 470 MWh điện gió.
Hiện nay, có nhiều dự án điện mặt trời, điện gió đang tiếp tục trình, bổ sung trong quy hoạch và tiếp tục triển khai trong thời gian tới. “Tuy nhiên, với sự phát triển tốt và có sản lượng lớn, điều này cũng đặt ra một số vấn đề ảnh hưởng trong quá trình phát triển điện mặt trời. Đó là chưa cân đối nguồn hỗ trợ bổ sung khi thiếu hụt điện mặt trời, hoặc một số nơi phát triển điện mặt trời thiếu tập trung, dẫn đến không đủ kết nối lưới điện truyền tải…” – ông Bùi Quốc Hùng nhấn mạnh.
Trước khó khăn đó, Bộ Công Thương đã trình Chính phủ những giải pháp, giải tỏa hết công suất các dự án đang phát điện. “Để có những chính sách trong tương lai, Bộ Công Thương đang phối hợp với chuyên gia tư vấn của Ngân hàng Thế giới (WB), Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) xây dựng cơ chế chuẩn bị cho đấu thầu các dự án điện mặt trời trong việc lựa chọn chủ đầu tư 1 cách minh bạch, khách quan, tiết kiệm chi phí”- ông Bùi Quốc Hùng cho biết thêm.
Sưu tầm